BỆNH XÁ TIỀN PHƯƠNG BỊ TẬP KÍCH
Hồi ký của Bác sĩ VŨ SONG TÊ
Chuyện xảy ra cho tới nay đã 29 năm, nhưng chúng tôi là những người trong cuộc nên nhớ mãi chẳng bao giờ quên. Hôm ấy, là ngày 19-12-1969 sau ngày Bác Hồ mất hơn 3 tháng, tình thương yêu của quân và dân miền Nam đối với Bác chưa nguôi thì kẻ địch liên tiếp gây cho ta nhiều tổn thất mới hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của quân và dân ta.
Bệnh xá của huyện Nam Ninh Hòa lúc này đóng ở Hòn Lớn cùng với các cơ quan như Huyện ủy, Huyện đội, Kinh tài, An ninh... Hòn Lớn ngửa mặt ra phía trước, đối diện với các cụm cứ điểm và căn cứ pháo binh của Mỹ và Nam Triều Tiên như Hòn Miếu, Dồng Đền, cụm pháo 175 ly của Mỹ đóng ở Hòn Xang ngày đêm dội pháo vào Hòn Lớn làm cho cây cối xác xơ cũng may là núi rừng ở đây có nhiều hang đá rất lớn nên bệnh xá thường đặt ở những nơi có hang đá, lấy hang đá làm nhà cho thương binh. Sáng ngày 19-12-1969, khác hơn mọi ngày, pháo địch bắn rất sớm trên các đỉnh Hòn Lớn vào các sân bay dã chiến của Mỹ, dứt tiếng pháo là từng tốp phản lực ném bom, hết những đợt phi pháo là từng đàn máy bay trực thăng loại 1 và loại 2 như chong chóng, quần lượn và đổ quân xuống các sân bay dã chiến ở đỉnh núi trút quân xuống các cánh rừng để lùng sục càn quét tìm Cộng sản.
Bệnh xá trong ngày đầu với tư thế gọn gàng chuẩn bị lánh càn, còn tất cả tư trang, thuốc men và y cụ đều cho vào ba lô để mang đi. Một ngày trôi qua chưa thấy động tĩnh gì sang ngày 20-12-1969 khoảng 7 giờ sáng tôi và 2 đồng chí bảo vệ mỗi người một khẩu AK kiểm tra một vòng chung quanh khu vực chẳng phát hiện được gì, chúng tôi sang báo cáo và xin ý kiến anh Bí thư Huyện ủy nên đi hay ở lại. Được anh cho ý kiến... Địch đổ quân ở xa chắc nó về hướng Hòn Bà - Diên Khánh. Ở lại để nghe ngóng xem sao. Chúng tôi quay về bọc lên sườn bệnh xá xem một lần nữa rồi về phân công người cảnh giới, còn anh chị em làm công tác chuyên môn thì lo phần việc của mình. Sáng ngày hôm đó chúng tôi còn giải quyết mấy ca cứu thương mới khiêng về ngày trước chưa xử lý hết, ca mổ đầu tiên là ca mổ lấy đầu đạn Tomson (loại đạn 12 ly) viên đạn xuyên từ trước ra sau nằm ở cơ sống chung không hề thủng tạng đặc và tạng rỗng, mổ lấy đầu đạn ở cơ sống chung cũng rất dễ đàng. Ca thứ 2 gãy 1/3 cẳng tay anh thương binh vừa nằm lên bàn mổ thì một phát đạn nổ chát chúa ở phía trên nhà. Ai bắn lạ vậy? tôi quát lên như la mọi người. Vừa đứt tiếng thì đủ các loại súng từ các hướng nổ vào bệnh xá dồn dập. Thì ra phát súng nổ ban đầu là của anh thương binh Chuông người Thanh Hóa làm nhiệm vụ cảnh giới, phát hiện ra địch nên bắn trước và thế là mục tiêu bị lộ nên địch bắn tấn công. Lúc này tôi xô vội anh thương binh xuống bàn mổ bảo chạy đi, tôi chỉ kịp tóm các dụng cụ bỏ vào túi cấp cứu, chụp ba lô mang chạy theo anh chị em. Anh y tá Đống mang bộ trung phẫu vừa ra khỏi bàn mổ bị địch bắn gãy chân, thế là mạnh ai nấy chạy. Toàn bộ anh chị em y tá, y sĩ, hộ lý, nuôi quân đều chạy cùng với một số thương binh nhẹ. Khi về tới chỗ tập kết mới chúng tôi mới điểm lại còn tất cả 18 người vừa thương binh vừa nhân viên bệnh xá Anh y tá Đống gãy chân nằm tại chỗ và anh Chuông nổ phát súng đầu bị thương nặng, địch cho trực thăng đưa 2 người này về căn cứ của địch ở Hà Thanh, còn mấy anh thương binh nặng nằm cố định trong gộp sâu, chúng sục vào bắn chết bỏ xác tại chỗ. Địch đóng quân tại đó 5 ngày, chờ chúng tôi về tìm đồng đội chúng đánh tiếp.
Mười tám anh chị em chúng tôi có cả thương binh (còn 2/3 quân còn lại là thất lạc). Trong đó chỉ có một số người mang được tư trang, còn lại là mất sạch, đêm đó chỉ còn lại 2 cái hăng gô thay nhau nấu cháo ăn tạm cho đỡ dạ vì có người mang được ba lô nên có gạo nấu.
Qua mấy ngày lánh càn, chúng tôi sống quây quần bên nhau trong một gộp đá giống như loài vượn người ngủ chung với nhau trong hang đá mùa đông giá lạnh, trời mưa liên miên không chăn màn bụng đói cồn cào và giá lạnh lại nằm trên đá nên không ngủ được chỉ có kể chuyện tầm phào. Trong số bệnh nhân chạy được theo chúng tôi có anh bịnh binh mổ ruột thừa bị áp xe vỡ mủ nên chỉ mổ dẫn lưu. Sau mấy ngày rút ống dẫn lưu, 7 ngày sau vết mổ cắt chỉ chuẩn bị ra viện. Không ngờ đến ngày thứ 8 bệnh nhân kêu đau bụng, tôi khám lại thì ra bệnh nhân bị áp xe ở vùng tiểu khung, tôi ghi vào bệnh án sáng ngày 20-12 mổ lại để dẫn lưu không ngờ đến sáng ngày hôm sau bị tập kích anh ấy bê cái bụng đau ráng chạy theo chúng tôi. Lúc bấy giờ đã qua một ngày căng thẳng, tôi mới xem lại tất cả số thương bệnh binh để tiếp tục điều trị. Riêng anh Lập bị áp xe ruột thừa phải mổ lại. Lo quá! lấy cái gì để mổ đây, bộ trung phẫu do anh y tá Đống mang đi đã bị mất. Trong hộp thuốc cấp cứu của tôi mang theo chỉ có thuốc và mấy cái dụng cụ tiêm chích. Tôi vừa buồn vừa lo! Là anh thương binh này không khéo sẽ chết. Tôi lục lại ba lô còn một hộp sữa, đưa cho chị y tá và bảo “Thằng Lập nó sắp chết chị mang lon sữa cho nó ăn”.
Đêm xuống, màn đêm bao trùm lên những gộp đá, những ngọn gió nhè nhẹ thổi vào hang làm cho cái giá rét của mùa đông càng tăng lên không sao ngủ được. Tôi bật dậy bấm đèn pin tìm đến anh thương binh bị áp xe ruột thừa đang ôm bụng kêu đau đớn vật vã đã mấy ngày chẳng ăn uống được gì. Tôi tự trách sao mình không thăm trực tràng để xem cùng đồ và sau đó tôi lập tức thăm trực tràng. Đúng là một túi mủ căng phồng ở trực tràng, tôi nói “Thủ phạm đây rồi phải chọc thôi” may mà trong túi cấp cứu còn một con dao mổ nên tôi làm thủ thuật chọc dò trực tràng để tháo mủ hậu môn, may ra thoát chết, chọc đúng vào cùng đồ mủ tuông theo tay, mủ cứ chảy theo đường hậu môn và tôi tiêm thêm một ngày một lọ Penicillin 500.000 đơn vị, nhưng cũng chỉ được 2 lọ thế là anh thương binh thoát chết.
Địch chốt ở đó 5 ngày, chúng vào tất cả các cơ quan xung quanh nhưng ở đó chẳng tổn thất gì vì tập kích vào bệnh xá là điểm trước tiên nên chỉ có bệnh xá là thiệt hại nặng nhất về cả tài sản và đó cũng là trận tập kích cuối cùng của địch vào bệnh xá tiền phương cho tới ngày giải phóng.