TẾT Ở TRONG RỪNG
THANH HƯƠNG
Cuối năm 1966, Tư ở Nha Trang mới thoát ly lên rừng được mấy tháng thì đến Tết Nguyên đán. Sau khi chiếm thôn Phú Hữu 3 ngày thì bị 2 đại đội Bảo An đánh bật ra, một đồng chí hy sinh, bộ đội huyện 301 (11 đồng chí) đã cùng với anh Đặng Nhiên (Bí thư Huyện ủy) anh Vân, chị Lý (đội công tác Ninh Ích), anh Tám K (Trưởng ban An ninh huyện), anh Tám liên lạc người Ê-đê và Tư rút về đầu Suối Gạo ở chiến khu Hòn Lớn chuẩn bị ăn tết.
Ngày 27 tháng chạp, Huyện ủy và Huyện đội tổ chức cho anh em làm trại để cùng vui xuân. Chỉ trong vòng 2 ngày, anh Nam (Huyện đội trưởng) và anh Lâu đã cho anh em đi chặt cây, cắt tranh, bứt mây làm xong hai dãy trại, một nhà bếp và hai dãy bàn bố trí song song trông rất xinh xắn.
Ngày 28 và 29 tết, các đội công tác Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Hưng, Ninh Lộc đều về đông đủ.
Để ăn một cái tết chung của toàn huyện được vui vẻ, đầm ấm và tương đối đầy đủ, anh Tấn (Trưởng ban Kinh tài) đã cho người mang vải, muối lên trại sản xuất của Huyện ủy ở Suối Môn đổi heo, nếp rẫy. Anh Tám Nhỏ thì đi đánh cá, săn thú. Các đội công tác của anh Những, anh Hồng, anh Sơn, anh Qua thì mang quà của bà con các xã gửi về như: rượu, thuốc, cà phê, đường, sữa, mứt, bánh, kẹo, bánh tráng….
Chiều 29 mọi việc chuẩn bị cho 3 ngày tết gần như hoàn chỉnh. Các chị tranh thủ ra rừng kiếm rau xanh và hoa tươi về cho không khí tết thêm vui tươi, đầm ấm.
Buổi tiệc chiều 30 tết thật là tươm tất! Trên bàn thờ Tổ quốc được treo lá cờ xanh đỏ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và lá cờ Đảng đỏ tươi bên bức ảnh của Hồ Chủ Tịch. Trước ảnh Bác là một lọ hoa rừng mơn mởn sắc xuân, một bát trầm nghi ngút khối hương. Cạnh bàn thờ là một cành mai rừng vàng óng đang nở hoa.
Sau khi tất cả đứng dậy làm lễ truy điệu các anh hùng, liệt sĩ xong, gần 30 cán bộ, chiến sĩ kéo nhau ra 2 dãy bàn dài được làm bằng những cây mò o đập dập hoặc chà rang phẳng phiu, xinh xắn. Trên bàn được trải những tấm ni lông đi mưa đã bày sẵn chả nem, thịt heo luộc, thịt nướng, mấy xoang nhỏ cari và có cả những chai rượu.
Anh Chào, Đài và một số anh em chưa quen ăn thịt giộc thì được “ưu tiên” ăn chả và thịt công nướng mà mấy cô đầu bếp đã “làm riêng”. Nói “làm riêng” là để phỉnh những anh em chưa dám ăn thịt giộc vì loại thú này trông rất ghê và có mùi vị rất khó ăn. Thật ra tất cả chả ram đều làm bằng thịt giộc. Chỉ có một số thịt nướng mới được làm bằng thịt công.
Thấy Đài và anh Chào ăn “chả công” khen ngon, chị Hạnh ở Phú Hòa cười hỏi Đài: “Chả công ngon lắm phải không Đài? Nem công, chả phượng mà!” Nói xong chị Hạnh nhìn chị Lý, Xa và Tư rồi ôm bụng cười.
Biết là mình đã bị lừa, Đài tức mình bỏ bữa, ôm cây trường mác ra gộp đá ngồi khạc nhổ như muốn móc họng để nôn ra cho hết thịt giộc. Anh Chào cũng ra một mỏm đá ngồi khóc. Anh Đặng Nhiên tưởng anh Chào giận vì bị đánh lừa, hóa ra anh khóc vì nhớ nhà….
Rượu được rỏ ra mấy ca US rồi chuyền tay nhau uống. Khi đã ăn xong, anh em vào láng treo võng nằm hút thuốc, ca hát, hô bài chòi hay đánh tú-lơ-khơ, chị Hạnh thì ra gộp đá xin lỗi mãi Đài mới chịu vào.
******
Đến 11 giờ đêm, anh Đặng Nhiên và anh Nam đánh thức tất các anh em dậy để chuẩn bị đón giao thừa. Chỉ một lúc là tất cả anh chị em trong huyện đều ngồi trước bàn thờ Tổ quốc chờ Thư chúc tết và thơ xuân.
Đúng 12 giờ đêm, anh Tiên ở Huyện đội xách cây trung liên ra ngoài trời kéo hết băng đạn để thay pháo mừng xuân mới. Sau loạt đạn nổ giòn tan, anh Tám Nhiên mở Đài tiếng nói Việt Nam thì nghe pháo giao thừa ở thủ đô Hà Nội nổ giòn tan. Anh em mời nhau ăn bánh, kẹo, uống nước trà B’Lao, hút thuốc thơm, ăn bánh, kẹo, mứt….
Hầu như tất cả mọi người cầm bánh, kẹo nhưng không ăn, mọi người đang lắng tai nghe Thư chúc tết và thơ của Hồ Chủ tịch.
Ngoài trời, không khí lạnh từ rừng già, từ những gộp đá, con suối tràn vào, liền tan biến sau đống lửa đang ti tách cháy tỏa mùi trầm thơm lựng. Cái không khí của một đại gia đình cách mạng thật là đầm ấm! Gần ba chục con người ở khắp các miền đất nước đã ngồi quây quần bên bếp lửa hồng ăn mứt, bánh, uống trà, hút thuốc thơm, nghe chương trình văn nghệ đêm giao thừa….
Ba mươi hai mùa xuân đã trôi qua, ba mươi hai cái tết đã đi vào dĩ vãng. Chỉ có cái tết đầu tiên ở vùng chiến khu Hòn Lớn, Khánh Hòa là như mới xảy ra đối với Tư. Những người hôm đó, nay còn lại không được bao nhiêu, phần lớn họ đã nằm lại trên chiến trường. Vì sau đó là những năm tháng chiến tranh mở rộng đầy ác liệt, gian khổ, đói khát - nhiều đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì một mùa xuân vĩnh hằng cho Tổ quốc thân yêu.