Ở HẦM
Hồi kỷ của ĐINH HÒA KHÁNH
Tết Mậu Thân 1968, quân ta tấn công vào quận lỵ Ninh Hòa nhưng do tương quan lực lượng quá chênh lệch nên sau một ngày chiến đấu quyết liệt với quân ngụy và quân Nam Triều Tiên, quân ta phải rút lui về căn cứ Hòn Hèo.
Riêng tôi, đến ở nhà anh Văn Mười - một đảng viên trung kiên - nơi có hầm bí mật xây cất rất kiên cố tại xóm Lò Heo. Nơi đó đang có đồng chí Hòa - Huyện ủy viên mới từ căn cứ xuống thị trấn được 3 ngày. Anh Văn Mười vội vàng thay quần áo giống tôi đạp xe đạp ra khỏi nhà để che mắt quân địch; coi như tôi đã ra khỏi nhà rồi. Tình hình rất khẩn cấp, tôi và đồng chí Hòa vội xuống hầm. Vợ anh Văn Mười ngụy trang nắp hầm vừa xong thì một tiểu đội lính ngụy mặc bà ba đen (lính bình định nông thôn) súng cầm tay lăm lăm chực bóp cò, xông vào nhà lục soát. Chúng vừa hò hét vừa lục tung cả tủ bàn, quần áo, đồ đạc vương vãi tứ tung. Hầm bí mật làm ngay trong buồng của vợ chồng anh Văn Mười. Tôi nghe rõ tiếng giày giậm thình thịch trên miệng hầm nhưng chúng không phát hiện được. Chúng kéo ra phía ngoài tập trung và đi sang nhà bên cạnh. Hầm chữ L có 5 lỗ thông hơi, hai người có thể nằm thẳng chân không vướng gì nhau. Tôi giao cho đồng chí Hòa nằm phía có 3 lỗ thông hơi, nhưng đồng chí này chưa biết cách nằm hầm bí mật nên miệng há to, thở rất mạnh và nằng nặc đòi đẩy nắp hầm lên để thở. Lúc đó, một tốp lính khác lại xông vào nhà lại lục lạo tủ, bàn, quần áo, chén bát. Mặc dù không tìm thấy gì nhưng lần này chúng ngồi lì ở nhà ngoài gần một tiếng đồng hồ. Thấy đồng chí Hòa ngồi dậy, tay lần tìm nắp hầm, tôi buộc phải bấm thật mạnh vào người đồng chí Hòa và dặn không được thở gấp bằng miệng, nếu thở gấp sẽ hết dưỡng khí, phải thở bằng mũi, từ từ đều đều. Rất mệt, tưởng như có thể tắt thở, chết ngay, nhưng rồi cơ thể quen dần với môi trường mới có thể chịu đựng được nhiều giờ liền. Đồng chí Hòa trấn tĩnh lại, nằm thẳng chân thẳng tay nhưng vẫn thở gấp bằng miệng, mắt trợn trừng trừng, miệng há to như người sắp chết. Tôi lo quá vội nhắc lại: "ngậm miệng, thở bằng mũi, thở từ từ, cố vượt qua cơn nghẹt thở này, sẽ dần dần hồi tĩnh". Chật vật lắm đồng chí Hòa mới chuyển được cách thở và dần dần quen với môi trường mới. Bọn địch vẫn tiếp tục lục soát mỗi ngày đến 5, 6 lần. Chúng nói tục, chửi thề ầm ĩ khắp cả xóm. Ở dưới hầm, tôi nghe rất rõ từng bước chân, từng lời nói của chúng khi chúng vào nhà, tưởng chừng như ngồi cạnh nhau vậy. Dưới hầm thời gian trôi đi sao mà chậm thế. Ngày thứ nhất trôi qua. Ngày thứ hai tiếp đến. Trong tình thế căng thẳng đến cực độ. Ban đêm chúng tôi lên khỏi hầm để ăn uống, dùng khăn thấm nước lau khắp người hít thở cho lại sức. Việc khó nhất ở dưới hầm là thiếu dưỡng khí, nhưng còn một việc cũng khó khăn không kém là đi tiêu đi tiểu ở đâu? Và bằng cách nào? Mỗi người một nửa ruột xe ô tô tải, một đầu cột chặt thật kín, một đầu khác dùng để tiểu và tiêu; sau đó cột chặt rồi ghếch đầu lên góc bờ hầm, tối đến đem lên, rồi vợ chồng anh Văn Mười bí mật đi đổ, rửa sạch để ngày mai lại đem xuống hầm. Kể lại việc này nghe đơn giản nhưng đối với người trong cuộc (cả hai chúng tôi và anh chị Văn Mười) lúc đó vô cùng khó khăn, vì nhà liền vách chỉ cần sơ xuất nhỏ là người nhà bên cạnh có thể phát hiện dễ dàng.
Nhà vợ chồng anh Văn Mười rất nghèo. Chồng làm thợ mộc dạo, vợ gánh nước thuê để lấy tiền nuôi 8 miệng ăn (hai vợ chồng, bốn đứa con và hai chúng tôi). Vậy mà suốt 21 ngày đêm, anh chị thay nhau ở nhà, vì sợ địch lục soát, nếu không có người ở nhà để đối phó hợp pháp với chúng thì lộ hết. Anh chị phải bán con heo choai để lấy tiền lo bữa cơm bữa cháo cho cả nhà. Tấm lòng trung kiên vì cách mạng, tinh thần dũng cảm, gan dạ dám đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ trong hoàn cảnh nhà liền nhà ở khu phố, giữa cái sống và cái chết liền kề của vợ chồng anh Văn Mười, thật là một tấm lòng vàng không gì so sánh được, ơn cứu tử của anh chị đối với chúng tôi, nhất là đối với tôi (anh Hòa sau Tết Mậu Thân chuyển về căn cứ và đã hy sinh) có lẽ hết đời vẫn chưa đền đáp được. Anh Văn Mười cũng đã hy sinh vào cuối năm 1969.
Tôi và đồng chí Hòa đã trải qua 21 ngày đêm căng thẳng đến cực độ, sức khỏe giảm sút rất nhanh. Nằm ở dưới hầm không khí nóng quá sức tưởng tượng, mồ hôi vã ra như tắm, toàn thân run lên cầm cập - khi thân nhiệt bị giảm nhanh, khát nước khô họng nhưng không dám uống vì sợ phải đi tiểu tiện. Đến ngày thứ 21 qua ánh đèn pin, tôi chợt nhận thấy thần sắc của đồng chí Hòa rất khác thường. Sức khỏe của đồng chí quá kém. Tôi phải liên tục động viên để cùng nhau vượt qua cơn hiểm nghèo này. Chính lúc này là lúc thử thách, là thước đo ý chí chiến đấu ngoan cường của một đảng viên Cộng sản. Tuy mới xuống thị trấn có 3 ngày, không quen với phương thức hoạt động đô thị nhưng đồng chí tỏ ra nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, thể hiện ý chí chiến đấu với bản thân rất cao, xứng đáng là một đảng viên Cộng sản, một huyện ủy viên.
Hơn 10 năm hoạt động tại chiến trường Khánh Hòa, bám sâu trong vùng địch kiểm soát, trong hang ổ của chúng, giữa cái sống và cái chết cách nhau không đầy gang tấc, bản thân tôi đã ý thức được lòng dũng cảm, sự hy sinh, mưu trí gan dạ khi đối mặt với quân thù nên tôi đã vuợt qua mọi gian khổ và trưởng thành. Tôi đã biết bám vào dân dù đó là dân sống ở đô thị lâu ngày không được tiếp xúc với cách mạng nhưng khi đã giác ngộ cách mạng thì lòng yêu nước của người Việt Nam ai cũng như ai. Tết Mậu Thân năm 1968 là một kỷ niệm sâu sắc ghi đậm trong ký ức tôi. Tôi đã từng phải nằm hầm bí mật nhiều lần nhưng chưa lần nào phải nằm liền 21 ngày đêm, ăn ngủ và làm việc ở dưới hầm bí mật, tôi không thể tưởng tượng được sức chịu đựng của mình lại bền bỉ dẻo dai đến thế. Thật là một kỷ niệm sâu sắc, khó quên.