NGƯỜI CON GÁI SÔNG DINH
Ghi lại theo bài của HỒ LONG VÂN - Ban biên tập
NINH HÒA có dòng sông Dinh lững lờ uốn khúc vắt qua những cánh đồng phì nhiêu rồi lượn qua giữa trung tâm thị trấn, ven bờ tít tắp lũy tre xanh. Cây cầu Dinh nối hai bờ đêm đêm tỏa ánh điện lung linh dòng nước. Đứng trên cầu nhìn về phía Nam cách cầu chừng 200m thấy một con đập ngăn nước như một con rồng bò ngang qua sông nhả nước tưới cho ruộng vườn, đập đó được đặt tên là “Đập chị Trừ” để tưởng nhớ người nữ chiến sỹ “Xung phong đội” anh dũng hy sinh trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.
Chị tên thật là Nguyễn Thị Trừ, quê thôn Vĩnh Phú, thị trấn Ninh Hòa. Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo cha mất sớm, mẹ cùng người cha kế vào sinh sống ở Nha Trang, chị ở lại với ông bà ngoại sớm hôm cơm cháo qua ngày. Ông chị tuổi đã cao, sức yếu hàng ngày vẫn phải làm nghề chạy xe kéo mướn kiếm tiền bữa đói bữa no. Chị lên 14 tuổi phải nghỉ học giúp việc nhà đỡ đần cho bà thường đau ốm, thôn xóm có ai cần giúp việc gì dù vất vả chị cũng cố làm để có thêm ít tiền góp vào cuộc sống của gia đình. Chị sống trong nghèo đói, neo đơn, côi cút nhưng trong chị vẫn hồn nhiên, nết na, xinh xắn, bà con lối xóm ai cũng thương yêu và thầm khen chị. Vừa tròn 17 tuổi đời, tuổi xuân phơi phới, hương sắc mặn mà, tràn đầy ước mơ và sức sống đổi đời, chị hăng hái gia nhập đoàn thanh niên cứu quốc ngày đêm tham gia học tập, hoạt động, chị trưởng thành nhanh chóng. Chị nhanh nhẹn, vui cười như con chim non vừa được sổ lồng bay nhảy tung tăng, ông bà ngoại cũng vui lây và vơi bớt nỗi nhọc nhằn.
Năm hết Tết đến, bà con quê chị đang tưng bừng, nhộn nhịp chuẩn bị cho một cái tết vui tươi và tươm tất nhất để mừng xuân độc lập đầu tiên của đất nước sau hàng trăm năm tối tăm nô lệ. Đột nhiên giặc Pháp ồ ạt tấn công đánh chiếm Ninh Hòa, hùng hổ khủng bố nhân dân, nào đốt nhà cướp của, bắn chết dân lành, hãm hiếp đàn bà con gái, gây nên bao cảnh máu đổ đầu rơi, thôn xóm tiêu điều xơ xác.
Nhìn cảnh bạo tàn của giặc Pháp và bè lũ Việt gian chị rất đau lòng và vô cùng phẫn uất, chị toan tính ra đi đáp lời kêu gọi của sông núi, nhưng giữa nghĩa nước tình nhà gia cảnh chị quá neo đơn, ông bà thì già yếu làm cho chị nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, mắt chị thâm quầng, lương tâm chị day dứt. Nhưng “Nước mất nhà tan”. “Thanh niên là rường cột…” và đêm đêm vọng bên tai chị những tiếng kêu than thảm thiết của bao gia đình vợ mất chồng, con thơ mất mẹ càng thôi thúc chị lên đường cứu nước, chị từ giã ông bà thoát ly tham gia kháng chiến.
Thật may mắn và mãn nguyện, chị được bổ sung vào đơn vị “Xung phong đội” làm nhiệm vụ như một tổ chức an ninh xung phong trên địa bàn khu phố quen thuộc của chị. Được đồng đội thương yêu giúp đỡ dìu dắt phút chốc chị trở thành một chiến sỹ dạn dĩ và thành thạo trong công tác và chiến đấu. Chị được phân công xây dựng cơ sở ở thôn Vĩnh Phú quê chị và tổ chức theo dõi sát tình hình các mặt của địch để phục vụ cho hoạt động của đội.
Để về lại bên trong, hàng ngày từ thôn Phú Nghĩa, Văn Định… chị bí mật hoặc cải trang len lỏi về địa bàn, nhờ được bà con quê hương tin yêu, đùm bọc, che chở chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng được nhiều cơ sở tai mắt ở vùng này, và nhờ trí thông minh, nhan nhẹn và duyên dáng, chị đã bao lần qua mắt địch, cùng đồng đội diệt được nhiều tên đầu sỏ gian ác giữa ban ngày trên quê chị, nhân dân rất thán phục, bọn địch thì vừa cay cú thù ghét, vừa rất khiếp sợ lối đánh đầy mưu trí và táo bạo của “Xung phong đội” mà chị là một chiến sỹ vừa liễu yếu đào tơ, vừa kiên cường hết mực.
Năm 1947, địch liên tục tấn công càn quét lên căn cứ, ra vùng nông thôn, đóng thêm đồn bót mở rộng chiếm đóng, tàn phá các thôn ven rừng, lập vành đai trắng bao vây cô lập căn cứ kháng chiến, khói lửa mịt mù khắp vành đai, nhân dân lớp thoát ra căn cứ, lớp kiên cường bám trụ đấu tranh dưới làn mưa bom, bão đạn của địch. “Xung phong đội” được lệnh mở hoạt động đánh địch, diệt ác sâu vào trung tâm phủ lỵ, tạo tình thế mất ổn định ngay trong trung tâm đầu não của chúng buộc chúng phải co về đối phó, phòng thủ hỗ trợ cho cuộc chiến đấu của nhân dân bên ngoài.
Đánh địch trong trung tâm, mục tiêu dễ chọn và địch có nhiều sơ hở nhưng đưa vũ khí vào đánh dễ bị phát hiện từ vòng ngoài và thoát ra khó an toàn. Nhưng là mệnh lệnh, là tình cảm và trách nhiệm đối với đồng bào, đồng chí đang đổ máu để bảo vệ quê hương nên toàn đội rất quyết tâm. Chị Trừ vốn căm thù địch sâu sắc, nắm rất chắc tình hình và thông thạo địa hình, chị đề nghị kế hoạch và xung phong đảm nhận đưa lựu đạn vào diệt tên thiếu úy người Pháp và mấy tên cảnh sát hàng ngày đi kiểm soát, cướp bóc nhân dân trong chợ, với những ý kiến rất cụ thể mạch lạc như có sự sắp xếp sẵn trong tâm trí của chị từ lâu. Toàn đội nhẹ nhõm phấn khởi, nhưng thấy trận đánh có tính quyết tử cực kỳ táo bạo nên tỏ ra lo lắng điều gì đó có thể xảy ra đối với đứa em thân yêu nhất của đội. Với chị đây lại là cơ hội để trả thù cho đồng bào quê hương, là trận đánh đáp lại lòng mong đợi và tin yêu của nhân dân đối với cách mạng nên chị xác định quyết tâm rất cao và bình tĩnh chuẩn bị cho trận đánh.
Đúng như tình hình đã nắm được, địch vừa tấn công đồng thời cũng vừa tăng cường phòng thủ, các trạm kiểm soát lục rất kỹ từng gánh hàng, giỏ xách của nhân dân đi vào chợ. Bọn chỉ điểm được chúng tung ra cài trà trộn khắp các ngả đường.
Chị Trừ xinh gái mỗi lần đi vào địch hậu thường lận lựu đạn trong người, anh chị em thường trêu đùa là “Hoa khôi lựu đạn”, chị lúc nào cũng vui vẻ hồn nhiên, duyên dáng. Ý thức được ý nghĩa của trận đánh này, lần này chị chuẩn bị rất chu đáo. Chị không chưng diện khác thường, chỉ mặc bộ đồ bà ba áo trắng quần đen tóc thả chấm lưng chị chải và cài lại gọn gàng chắc chắn, đội chiếc nón lá bài thơ không mới lắm, hai quả lựu đạn cần còn mới chị giấu kín trong người.
Chiều hôm ấy, hoàng hôn vừa rủ bóng, ngọn gió nam non lướt nhẹ qua làng, đồng đội vây quanh chúc chị “thành công”, miệng cười vui nhưng lời sao muốn nghẹn. Chị đã khuất dạng, mà mấy anh em còn ngóng trông theo.
Đêm đó trong căn buồng nhà cơ sở chị không sao ngủ được, điều lo nhất của chị là làm sao lách cho được mấy tên tay sai để vào kịp giờ bọn địch đang đi cướp phá. Chị bố trí cơ sở theo dõi từng đoạn đường để báo tin kịp thời về cho chị, lòng chị nôn nao như lửa đốt, mãi đến 9 giờ chị mới lách được qua cầu vào đến chợ. Chị ngồi bên cạnh hàng rau lựa mua mấy bó để quan sát tình hình. Nhìn bên dãy bán gạo nếp, bán gà… tên sỹ quan Pháp và tốp lính đang tụm nhau lại cãi vã điều gì đó với chủ bán hàng. Chị lần đến, chờ chúng đến khoảng trống an toàn, lanh như chớp chị cho lựu đạn nổ một tiếng rất đanh, một chùm khói mịt mù, có mấy tên ngã lăn quằn quại, mấy đứa còn sống sót kêu la hốt hoảng, có tên thấy lựu đạn từ trong người chị tung ra, chúng chỉ cho nhau vây bắt chị, chợ đang đông, bà con ùa nhau tháo chạy khắp các ngã đường. Chị chạy lẫn vào đám đông nhưng không sao thoát ra theo hướng như kế hoạch đã vạch vì ở đó có địch, chị phải chạy vòng lên hướng nhà ga để vòng sang Bình Thành có lực lượng đón. Nghe tiếng nổ, một tốp lính Pháp từ kho thuốc chạy ra gặp chị liền gọi đến lục soát, chị cho nổ tiếp quả thứ hai lần này địch đông nên chết đậm hàng chục tên có cả sỹ quan người Pháp, chị tiếp tục chạy đến trên nhà ga thì bị địch bắt.
Địch bị đánh đau, tổn thất nặng giữa ban ngày trong trung tâm phủ lỵ, chúng lồng lộn trả thù đánh đập chị tàn nhẫn ngay khi bắt được chị, chúng không hiểu bằng cách nào người con gái Việt Minh còn non trẻ như chị mà có thể đưa chất nổ vượt qua được màng lưới kiểm soát nhiều tầng nhiều lớp rất chặt của chúng để vào đến tận khu trung tâm đánh chúng. Vì vậy chúng tra tấn chị ngay trên đường đưa chị về nhà lao tên “Cọt” ở đầu cầu Dinh. Nào báng súng, lưỡi lê, mũi giày đinh, cùi chỏ… chúng đấm đá dồn dập vào chị một cách cực kỳ tàn bạo, vừa đánh chúng vừa hỏi “Mày ở nhà ai? Ai chứa chấp mày để vào đây đánh, ai là cơ sở của mày, ở đâu? Khai mau, khai ngay” chị im lặng lắc đầu và bảo …“Giết tao đi” chúng lại gầm lên như thú dữ “Im hả? Không khai hả?” Vừa nói chúng vừa đánh chị tới tấp, chị vẫn im lặng như không còn nghe biết gì nữa.
Đến lúc này chị kiệt sức đờ đẫn, tay chị bị còng ngược về phía sau, mặt mũi bầm đen sưng húp, người bê bết máu, bộ đồ bà ba chị mặc rách tả tơi phơi ra ngoài nhiều chỗ da thịt bầm tím sưng vù rỉ máu, chị không sao đi được nữa, hai tên lính Pháp to cao, hàm ếch, râu xồm, mắt hoắm xốc hai bên người kéo chị đi xồng xộc, theo sau là bầy lính hung hăng, súng tuốt lê trần, lăm lăm như muốn ăn tươi nuốt sống chị. Những người đi đường chứng kiến cảnh tra tấn chị như chết lặng đi, không dám nhìn, không dám khóc mà lòng đau như cắt.
Đến cầu Dinh, trước khi đưa chị vào nhà lao chúng chưa moi ở chị được điều gì nên chúng càng lồng lộn tức tối, chúng nắm tóc chị kéo ngược về phía sau và gầm lên dữ tợn “Mày to gan lắm hả? Tao cho mày cơ hội cuối cùng, nếu không khai tao moi gan mày, tao cắt đầu mày vứt xác xuống sông…” rồi chửi mắng văng tục đủ điều. Tên thông ngôn thấy bế tắc xuống giọng van nài “Thôi, đàn ông con trai còn không chịu nổi, huống chi em con gái yếu đuối làm sao chịu đựng nổi, hãy khai chút ít gì đi để được sống về với gia đình…”. Bị xúc phạm, chị ngẩng đầu nhìn trừng trừng như đổ lửa vào mặt địch và hất hàm bảo “…Giết tao đi quân khát máu”. Chúng nhìn chầm chầm vào mặt chị có vẻ tuyệt vọng và ngạc nhiên thán phục trước bản lĩnh và nghị lực phi thường của người con gái Việt Minh chưa tròn 19 tuổi đời. Nó lại hét ầm lên “Con Việt Minh to gan lớn mật, cắt cổ nó đi, đâm chết nó đi…” rồi xáp vào cấu xé như muốn ăn gan uống máu chị, đứa tát tai, đứa nắm tóc chị xoay bốn phía như muốn vứt chị xuống sông, tên lính Pháp râu xồm lấy lê đâm vào người, vào ngực chị và xé toác áo ngực cắt hai núm vú chị vứt xuống cầu, máu ra xối xả, chị ngất xỉu không còn đứng được, chúng kéo xệch chị đưa vào nhà lao.
Đêm đó địch nhốt chị vào xà-lim cách ly với tù nhân trong nhà lao, anh chị em trong lao nhìn thấy hai chân chị bị còng vào còng sắt, chị nằm mê man bất tỉnh. Hôm sau bọn địch ép đổ sữa cho chị, sau đó thấy chúng kéo chị lên phòng tra tiếp tục khai thác. Không hiểu chúng hỏi những gì chỉ nghe tiếng đánh đập, chửi mắng và la ó của bọn an ninh. Mấy ngày sau đó không còn thấy chị nữa, anh chị em rất lo và cố tìm hiểu tin tức về chị, được biết chúng đã dùng đủ các ngón đòn hiểm độc nhất vẫn không khai thác được gì ở chị nên giữa đêm chúng đã đưa chị đi thủ tiêu ở gò thôn Phước Lý (thuộc xã Ninh Bình). Toàn thể tù nhân nhà lao vô cùng xúc động im lặng để tưởng nhớ người chiến sỹ cách mạng kiên cường đã hy sinh, người đã làm chấn động dã tâm xâm lược của giặc Pháp ngay trong trung tâm phủ lỵ nơi chúng chiếm đóng ở Ninh Hòa.
Nhân dân thôn Vĩnh Phú quê chị, từ khi biết tin chị bị bắt ai nấy đều sửng sốt, bàng hoàng, suốt ngày hôm đó bà con bàn tán về chị, vừa thán phục tiếc thương vừa hồi hộp, lo âu. Nếu không may chị không chịu nổi sự tra khảo của địch thì thôn xóm sẽ tiêu tan, biết bao người sẽ chịu cảnh tù đầy tra tấn như chị, tài sản tiếp tục bị cướp phá, máu tiếp tục rơi. Ông bà ngoại chị thương đứa cháu không ăn không ngủ. Nhiều bà con nhất là cơ sở của chị hồi hộp ngóng trông tin tức về chị. Được số người chứng kiến cảnh địch tra tấn hành hạ chị và tinh thần của chị trước kẻ thù kể lại và nhất là khi được tin chị đã hy sinh mà không một ai bị bắt do chị khai báo, bà con không ai cầm được nước mắt, và vô cùng biết ơn chị.
Ngày hôm sau, nhân dân trong huyện đi chợ rất sớm, rất đông để được nghe về trận đánh, để được biết cô gái gan dạ tuyệt vời đã làm được cái việc “động trời” như vậy. Khi biết được địch đã thủ tiêu chị Trừ thì hình ảnh của chị trở thành một thần tượng cao đẹp của toàn dân trong huyện, ai cũng thương tiếc và khâm phục. Nhiều cụ già nhắc lại chuyện xưa rằng: “Phong thổ làng Vĩnh Phú trước đây sinh ra thằng Loi, Pháp đánh không chết, bây giờ có con Trừ, Pháp đánh mấy cũng không khuất phục không cúi đầu”.
Đối với đơn vị “Xung phong đội”, chị Trừ hy sinh sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nêu tấm gương bất khuất kiên trung nổi bật lên như là một sự kiện vang dội. Toàn đơn vị đau thương và vô cùng thương tiếc chị nhưng cũng rất đỗi tự hào. Hình ảnh của chị đã để lại trong lòng của đồng đội một tình thương sâu nặng vô ngần, mỗi lần nhắc đến vẫn thấy bùi ngùi xúc động.
***
Ghi lại câu chuyện này không chỉ để chúng ta suy ngẫm noi gương, mà người viết hy vọng rằng: Chị sẽ xứng đáng được tôn vinh công trạng. Chị Trừ-người con gái sông Dinh sẽ sống mãi trong lòng của nhân dân Ninh Hòa anh hùng.