Hiện nay, trên địa bàn thị xã có hơn 56.900 trẻ em; trong đó, có hơn 17.300 trẻ em dưới 6 tuổi, có 610 trẻ em có hoàn cản đặc biệt khó khăn, 2.905 em có nguy cơ bị bỏ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có 2.687 trẻ em thuộc hộ nghèo và 1.198 trẻ em là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đầu năm 2017, Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực đánh dấu bước chuyển trong thực hiện quyền trẻ em. Sau 2 năm triển khai thực hiện Luật, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn thị xã đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, từng bước xây dựng môi trường lành mạnh, tạo mọi điều kiện trẻ em thực hiện các quyền cơ bản như: quyền sống, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền tham gia.
Trong 2 năm qua, Thị xã đã lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như: xây dựng nông thôn mới, xây dựng các thiết chế văn hóa, giảm nghèo, vay vốn phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ y tế, giáo dục… Việc thống kê, theo dõi và cập nhật các biến động về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được thực hiện thường xuyên. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Tư pháp và UBND các xã, phường phổ biến Luật Trẻ em qua các hội nghị giới thiệu văn bản luật mới cho lãnh đạo, công chức các ban ngành, đoàn thể thị xã, UBND các xã, phường và cộng tác viên, tình nguyên viên làm công tác xã hội ở các thôn, tổ dân phố; phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo lồng ghép tuyên truyền về quyền, bổn phận trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em thông qua các hoạt động ngoại khóa của các trường. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các buổi tư vấn cộng đồng, nói chuyện chuyên đề, các buổi tấp huấn cho cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở. Thực hiện Luật Trẻ em năm 2016; trong 2 năm qua, Thị xã đã tập trung huy động nguồn kinh phí hơn 54.2 tỷ đồng chi cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong đó, chi đầu tư phát triển hỗ trợ cho các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan tới bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em như: phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em; phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi; phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... với tổng kinh phí hơn 41.9 tỷ đồng. Chi thường xuyên trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em thông qua Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội là 143 triệu đồng và chi thường xuyên trong lĩnh vực giáo dục thông qua Phòng Giáo dục và Đào tạo là 12.2 tỷ đồng. Thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thời gian qua các ngành chức năng của thị xã đã chăm sóc, hỗ trợ và giúp đỡ 98% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong đó, có 150 trẻ mồ côi, trẻ cơ nhỡ, trẻ khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội thị xã, Mái ấm Anh Đào – xã Ninh Sim và Mái ấm Chùa Phật Bửu – xã Ninh Thọ. Hầu hết các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đều được đi học tại các trường công lập, được tham gia các hoạt động giúp trẻ phát triển toàn diện và được đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em và được sống trong môi trường an toàn. Hàng năm, thị xã đã trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho hơn 600 em là trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật nặng và trẻ khuyết tật đặc biệt nặng. Trẻ khuyết tật còn được hỗ trợ phẫu thuật phục hồi chức năng, hỗ trợ dụng cụ trợ giúp như: xe lăn, xe lắc, giày, nạng, nẹp. Ngoài ra, nhân các dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, thị xã đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho các em. Bên cạnh đó, các chương trình y tế quốc gia liên quan đến trẻ em được thị xã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời như: 100% trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng; 100% trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi uống Vitamin A; chương trình phòng chống sốt xuất huyết; phòng chống tay chân miệng, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em đều đạt kết quả tốt. Hoạt động giáo dục cho trẻ em được quan tâm. Hệ thống trường lớp được đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu giáo dục trên địa bàn. Các trường học đều đăng ký thực hiện xây dựng và được đánh giá đạt chuẩn “Trường học an toàn, thân thiện với trẻ em”. Từ đó quy mô và chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Song song với các chương trình nâng cao đời sống vật chất cho trẻ em thì những hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho trẻ em cũng được các cấp, các ngành quan tâm. 2 năm qua, các tổ chức chính trị - xã hội thị xã và các nhà hảo tâm đã tặng hơn 4.000 suất quà trị giá hơn 2 tỉ đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các cơ sở bảo trợ xã hội nhân các dịp lễ, Tết, Tháng hành động vì trẻ em; các tổ chức, đoaàn thể như: Hội Khuyến học thị xã Thị Đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã đã vận động, tiếp nhận và trao hơn 24 nghìn suất học bổng cho học sinh nghèo. Ngoài hoạt động thăm hỏi, tặng quà, Hội đồng Quỹ Bảo trợ trẻ em thị xã đã vận động các tập thể, cá nhân, các hộ gia đình trong toàn thị xã đóng góp xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em được hơn 900 triệu đồng; ngoài ủng hộ bằng tiền mặt, các cá nhân, tập thể còn ủng hộ nhiều hiện vật như: thực phẩm, chăn màn, phương tiện đến trường, dụng cụ học tập cho trẻ em. Bênh cạnh đó, từ thị xã đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, diễn đàn trẻ em, câu lạc bộ...tạo môi trường để các em tự tin thể hiện bản thân, được nói lên những ước mơ của mình, thông qua các hoạt động đã trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình; tránh bị xâm hại, ngược đãi; phòng, tránh tai nạn, thương tích, đuối nước... Ngoài ra, các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm lãnh đạo, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo pháp luật về thực hiện quyền trẻ em. Qua theo dõi, các vụ xâm hại trẻ em được phát hiện trên địa bàn thị xã đều được can thiệp và xử lý kịp thời.
Có thể khẳng định, với sự quan tâm, vào cuộc các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn thị xã đã và đang từng bước đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống. Để Luật phát huy vai trò, hiệu quả thực tiễn hơn nữa; thời gian tới, song song với công tác tuyên truyền, Thị xã sẽ tiếp tục đưa các mục tiêu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành tạo sự đồng bộ, thống nhất để thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em. Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, các em xứng đáng được sống trong môi trường an toàn, được phát triển toàn diện và thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản. Vì vậy, các cấp, các ngành cũng như các tổ chức xã hội và gia đình trẻ em cần nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; hiện thực hóa những mục tiêu trong Luật Trẻ em năm 2016 để Luật thực sự là công cụ hữu hiệu bảo vệ trẻ em./.